Năm 2007, Kasparov cho xuất bản cuốn sách How Life Imitates Chess (Cuộc sống bắt chước cờ vua như thế nào). Tác phẩm này mang lại một góc nhìn sâu vào tâm trí của một nhà chiến lược đại tài, và quyển sách chỉ cho chúng ta thấy rằng việc áp dụng các nguyên tắc cờ vua vào thực tế đời sống rất hữu ích.
Làm sao để bắt đầu suy nghĩ như Kasparov?
1. Hỏi đúng câu hỏi để tập trung có trọng điểm
Kasparov luôn nhấn mạnh việc biết đưa ra đúng câu hỏi khi đang lên chiến lược: “Câu hỏi chính là cách thức tìm hiểu vấn đề. Việc biết đặt câu hỏi và chọn ra những câu hỏi đúng là điểm mấu chốt để đi đúng hướng”.
Khi chơi cờ vua, người mới chơi thường tập trung vào việc làm gì với các quân cờ trước mặt họ. Còn đối với kỳ thủ chuyên nghiệp, mục tiêu chính của họ là làm thế nào để đọc được suy nghĩ của đối thủ.
Người mới chơi có thể thử và hình dung trước một vài nước cờ, nhưng hầu hết họ chỉ phản ứng một cách thụ động. Họ chưa đạt tới trình độ để nhận ra rằng những nước đi trong giai đoạn khai cuộc có ảnh hưởng rất lớn đến kết cục của cả trận đấu.
Còn trong thế giới của các kiện tướng cờ vua, mỗi nước đi - dù là đơn giản tới đâu - đều được họ suy tính rất kỹ càng, và điều này khiến cho trò chơi trở nên vô cùng phức tạp.
Người mới chơi chỉ đơn giản di chuyển các quân cờ dựa trên luật chơi và vị trí của các con cờ, mà không suy nghĩ sâu xa về nước đi đó. Còn các chuyên gia thì khác, họ đặt ra hàng loạt câu hỏi để tìm hiểu đường đi nước bước của đối phương, qua đó có thể đưa ra lối chơi phù hợp.
Điều quan trọng cần lưu ý là dù trong cờ vua hay trong cuộc sống, trong một thế giới luôn biến động như ngày nay thì các câu trả lời cho những câu hỏi chung chung sẽ luôn thay đổi. Vấn đề của các câu hỏi chung chung là chúng thường có khá nhiều tầng nghĩa và mang tính mơ hồ, chúng luôn có nhiều hơn một câu trả lời. Những thứ chúng ta thấy hiện hữu trên bề mặt chưa chắc là bản chất của sự việc. Giữa một rừng thông tin đầy ồn ào và hỗn độn, chúng ta rất khó để xác định được thông tin chính xác.
Do đó, cách tiếp cận tốt nhất không phải bắt đầu bằng việc tìm kiếm câu trả lời trong một đống thông tin ồn ào, thay vào đó, hãy đưa ra một “cái khung” để đóng vào đó những thông tin chúng ta muốn biết và gọt tỉa những thứ “râu ria” không cần thiết.
“Bạn đang muốn theo đuổi điều gì, và bạn làm gì để đạt được điều đó?”
Hãy bắt đầu bằng câu hỏi này. Nếu bạn tìm ra đủ các câu hỏi cụ thể và đúng hướng, bạn có thể thoát khỏi vùng nhiễu loạn thông tin để tập trung vào những gì cần thiết, quan trọng và liên quan đến nhu cầu của bản thân.
Trong mọi chiến lược, phần quan trọng nhất là hiểu được nhiệm vụ thực sự là gì. Là một doanh nghiệp, chuyện làm ăn có lãi là không đủ. Là một sinh viên, chuyện kiếm được điểm 10 trong kỳ kiểm tra là không đủ. Ở đây, việc cần làm là phải đào sâu để hiểu được cốt lõi của vấn đề, và các câu hỏi đúng sẽ giúp thực hiện chính xác điều đó.
2. Cân bằng giữa tính toán và trí tưởng tượng
Bí quyết thành công của loài người nằm ở chỗ các thế hệ đi sau đã biết xây dựng trên nền tảng của thế hệ đi trước. Mỗi thế hệ không cần phải bắt đầu lại từ con số 0, vì chúng ta có thể truyền đạt lại kiến thức thông qua việc sử dụng hệ thống ngôn ngữ phức tạp. Các loài động vật khác không có được khả năng này.
Kết quả là lối tư duy của chúng ta thường là tuân theo những gì chúng ta đã biết. Chúng ta tính toán cho tương lai dựa trên những gì chúng ta biết về quá khứ, và tinh chỉnh nó để tạo ra các thay đổi phù hợp trước khi bước vào một tương lai vô định. Nhìn chung, đây không phải là một giải pháp tồi.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những thiếu sót nhất định. Khi chúng ta quá phụ thuộc vào việc so sánh những điểm tương đồng giữa kịch bản quá khứ và tương lai, chúng ta đang vô tình thiên vị những mô hình hiện tại, và bỏ qua khả năng nắm bắt những cơ hội mới. Các khả năng của tương lai là vô tận, nhưng một khi chúng ta tính toán nó dựa trên những gì chúng ta đã biết, chính là đang cố ép nó vào một khuôn khổ hẹp. Ở đây, trí tưởng tượng chính là phương pháp để thoát khỏi sự thu hẹp này.
Một ván cờ thường được chia thành 3 giai đoạn: khai cuộc, trung cuộc và tàn cuộc. Bất kỳ ai đam mê chơi cờ vua cũng đều đọc sách, phân tích các ví dụ và chiến thuật trong quá khứ, và được hướng dẫn về lối chơi và chiến thuật nổi tiếng nhất cho mỗi giai đoạn.
Những người chơi giỏi luôn không ngừng học hỏi những điều này, và trong một ván đấu, họ có thể nhận ra những tín hiệu thích hợp và chơi trên cơ đối thủ bằng cách sử dụng các chiến thuật mà họ đã học được.
Nhưng đối với những kiện tướng cờ vua đỉnh cao thì lại khác, họ biết rằng họ đang chơi với những đối thủ đã quá rành và nhuần nhuyễn những thế cờ như vậy. Và họ rất hiếm khi sử dụng những chiến thuật cũ. Họ mường tượng ra diễn biến trận đấu và tự tạo ra chiến thuật mới cho riêng mình.
Điều này không có gì là vô lý cả. Đây chỉ là một phương pháp lý luận theo cách nghĩ về điểm đến, từ đó quay lùi lại về điểm xuất phát và vạch ra “lối đi” mà chúng ta muốn. Kasparov gọi đó là sức mạnh của sự tưởng tượng, và đó là cách thức cờ vua phát triển. Khả năng tính toán giúp ta tiến bộ, nhưng trí tưởng tượng giúp ta đổi mới.
Chúng ta vốn dĩ đã quen thuộc với các phương pháp hiện hành, và có khuynh hướng cho rằng đó là những phương pháp duy nhất. Nếu có một công việc được thực hiện theo cách này hoặc cách kia, trực giác chúng ta cho rằng mọi người làm như thế vì một lý do không thể chối cãi, vì vậy, chúng ta nên tiếp tục làm theo cách đó. Tuy nhiên, đấy không phải là con đường tối ưu để thực hiện những bước nhảy lớn.
Thế giới luôn thay đổi, và để theo kịp với nó, chúng ta luôn phải thách thức những luật chơi hiện tại, và thậm chí cả niềm tin của bản thân. Chúng ta phải sẵn sàng để tưởng tượng ra tương lai và từ đó tìm ra con đường đi tới. Đó là cách chúng ta vượt qua sự thiếu hiệu quả, và khám phá những cơ hội mới.
3. Vận dụng điểm mạnh để tối đa hóa lợi thế
Chúng ta thường tìm hiểu các thành công lớn trong quá khứ, và hy vọng có thể bắt chước họ với một chiến lược tương tự. Tiếc thay, đó lại là một hành động sao chép chứ không phải là học hỏi từ quá khứ.
Hiểu được quá trình lịch sử của một sự việc, hoặc học hỏi kinh nghiệm của người khác, là một cách cực kỳ hiệu quả để tránh những sai lầm không cần thiết. Đây là những kiến thức tổng quát có lợi cho mọi người.
Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi chúng ta cố gắng lặp lại toàn bộ những gì người khác đã làm. Thay vì suy nghĩ một cách khôn ngoan về hoàn cảnh hiện tại của chính mình, chúng ta lại chọn cách dễ hơn. Chúng ta cố gắng áp dụng một cách cứng nhắc kinh nghiệm của người khác như thể đó là cách duy nhất.
“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Giải pháp này có thể có ích với người khác nhưng lại không có tác dụng với bạn. Có rất nhiều cách để giải quyết cùng một vấn đề. Tất cả chúng ta đều có thế mạnh riêng, và điều quan trọng là phải nhận ra những thế mạnh này và sử dụng chúng sao cho phù hợp.
Kasparov nổi tiếng với phong cách chơi tấn công. Trái ngược với lối suy nghĩ phổ thông, cờ vua không chỉ là một trò chơi chiến lược mà còn là một trò chơi tâm lý, và Kasparov cũng rất đáng gờm trong khả năng tấn công tâm lý đối phương bên cạnh tư duy chiến thuật của mình.
Ngược lại, kỳ phùng địch thủ Anatoly Karpov của Kasparov thì lại có lối chơi khá cẩn thận và né tránh rủi ro. Ông tập trung tìm cách thu về càng nhiều lợi thế càng tốt và tránh những cú đặt cược lớn.
Những gì có ích cho Karpov có thể gây phản tác dụng với Kasparov và ngược lại. Ngoài các quy tắc chung và những nước đi cơ bản, mỗi người cần nhận ra và tận dụng thế mạnh của riêng mình để tối đa hóa lợi thế của bản thân.
Một ví dụ khác là Deep Blue, cỗ máy tính chơi cờ vua của IBM. Hệ thống cơ sở dữ liệu của Deep Blue chứa tất cả các nước đi của các đại kiện tướng trong vòng 100 năm qua, và có thể đưa ra hàng trăm ngàn phương án khác nhau mỗi giây. Với lợi thế là một máy tính, Deep Blue hoàn toàn không bị tác động bởi yếu tố tâm lý. Deep Blue đã dễ dàng đánh bại Kasparov ở ván đầu, trong trận đấu đầu tiên giữa 2 bên vào năm 1996. Tuy nhiên, sau đó Kasparov đã thay đổi thế trận và chiến thắng khi phát hiện Deep Blue chỉ hóa giải được những nước đi có tính toán, nhưng lại bó tay trước những nước đi tưởng chừng vô nghĩa.
4. Tư duy lại về chiến lược
Một chiến lược tốt không nên dựa theo một mô hình thuộc về quá khứ (cho dù trước đây mô hình này có hoạt động tốt đến đâu đi chăng nữa). Một chiến lược tốt luôn có ý thức về những bài học quá khứ, nhưng nó phải được cá nhân hóa và được nhận thức một cách cẩn trọng.
Một chiến lược thật sự không phải là một kế hoạch cứng nhắc. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, hãy xem chiến lược là một tầm nhìn chi tiết nhưng linh hoạt hướng về mục tiêu mà bạn muốn. Mỗi chiến lược đều có điểm riêng, và được thiết kế để thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể.
Cờ vua là một trò chơi đối kháng. Với bản chất năng động và số lượng nước đi gần như vô hạn, đây là một trò chơi phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tư duy hiệu quả. Không phải mọi người đều có thể tư duy như Kasparov, nhưng chắc chắn ai làm được điều này thì sẽ dễ dàng thành công hơn.
Tất nhiên, bên cạnh một chiến lược hoàn chỉnh, chúng ta cũng cần phải có nhiều yếu tố khác. Nhưng chiến lược chính là yếu tố căn bản, là điều kiện tiên quyết trong mọi việc.
Mặc dù cờ vua không phải là kinh doanh, chính trị hay thể thao, nhưng hãy nhớ rằng lối tư duy của nó có thể được áp dụng vào mọi mặt của cuộc sống.
Sưu tầm
Comentários